Có sự tham gia của Owen Wilson và Pierce Brosnan, bộ phim “No Escape” cố gắng lôi kéo khán giả nhờ yếu tố bạo lực nhằm bù đắp cho phần cốt truyện còn khá mỏng.
Trong No Escape, một danh hài đã bước qua thời kỳ sung sức là Owen Wilson hợp tác cùng Pierce Brosnan, người từng có quãng thời gian sắm vai điệp viên 007 James Bond. Mang không khí căng thẳng và u tối, bộ phim bắt nguồn từ cuộc bạo động đẫm máu tại một quốc gia Đông Nam Á không được gọi tên cụ thể.
No Escape có sự tham gia của Owen Wilson. Trong phim, một gia đình người Mỹ vô tình vướng vào cuộc bạo động đẫm máu tại một quốc gia Đông Nam Á và phải tìm đủ mọi cách để thoát thân.
Jack Dwyer (Owen Wilson) là một kỹ sư ngành nước. Anh dẫn vợ và hai cô con gái tới một quốc gia châu Á xa lạ để lập kế mưu sinh. Nhưng mới chân ướt chân ráo tại nơi đất khách quê người, gia đình Dwyer vướng vào một cuộc đảo chính kinh hoàng. Đó là khi cánh quân phản động đánh bại lực lượng trị an, tràn ra khắp đường phố để săn lùng và sát hại người ngoại quốc.
Giữa bối cảnh đẫm máu, Jack Dwyer phải tìm mọi cách để sinh tồn. Trong lúc tìm đường chạy trốn khỏi quốc gia bạo loạn, anh may mắn gặp được Hammond (Pierce Brosnan) – một điệp viên ngầm tài ba đội lốt khách du lịch. Có một điều khá thú vị là Hammond cũng xuất thân từ Cục tình báo Anh quốc, giống như nhân vật 007 mà Brosnan từng có cơ hội thể hiện.
No Escape khá thành công trong việc định hướng cảm xúc người xem, cài cắm các yếu tố gây sốc hợp lý, khiến người xem rùng mình trước những màn tra khảo, hành quyết. Thậm chí, sự hung hãn của phiến quân bản địa chẳng khác gì tính háu đói của loài thây ma trong các tác phẩm kinh dị.
Bạo lực và tình thân là hai yếu tố diễn ra xuyên suốt trong câu chuyện của No Escape.
Cùng lúc đó, khán giả có thể dễ rung động khi chứng kiến tình thân trong gia đình Dywer. Một trường đoạn kết hợp ăn ý hai yếu tố tưởng chừng tách biệt ấy là khi Jack phải ném từng đứa con của anh sang tòa nhà bên cạnh để thoát khỏi đám khủng bố đang tìm cách truy sát họ. Góc quay lúc ấy đem đến cảm giác thót tim cho những ai đang theo dõi câu chuyện.
Do không có võ nghệ cao cường như các nhân vật chính trong phim hành động, Jack Dwyer gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chạy trốn. Phim nhiều lần khiến người xem bất ngờ nhờ những cái chết không hề được báo trước. Bởi vậy, mạch phim của No Escape luôn luôn nằm trong trạng thái căng thẳng. Những chi tiết hài hước là không nhiều, khi chúng chủ yếu đến từ nhân vật Hammond vốn không có quá nhiều đất diễn
Dù mang chủ đề bạo động, No Escape khéo léo tránh gây tranh cãi về chính trị khi không nêu tên quốc gia cụ thể, đồng thời giải thích nguyên nhân của cuộc đảo chính là do lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, cách mà đạo diễn John Erick Dowdle giải quyết đoạn kết hẳn sẽ đem đến sự thích thú nhất định cho khán giả Việt.
Tuy nhiên, nếu xét một cách công bằng, sự bạo lực và tàn nhẫn của con người trong No Escape có phần phi lý, khi phe phản diện thỏa thích cười đùa trong lúc giết người, sát hại những kẻ vô tội một cách bừa bãi.
Sự độc ác giữa người với người có thể khiến nhiều người xem tới cuối phim cảm thấy mệt mỏi. Đó cũng là cách để Dowdle khỏa lấp một số lỗ hổng trong kịch bản, chẳng hạn như làm sao một nhóm quân phiến loạn lại có thể dễ dàng khiến Đại sứ quán Mỹ thất thủ đến thế.
Trailer bộ phim 'Không lối thoát'
Đem đến hàng loạt các pha hành động mạo hiểm căng thẳng, No Escape là một tác phẩm giải trí tương đối tốt. Nhưng với những khán giả khó tính, muốn tìm kiếm một điều gì đó phía sau câu chuyện thoát thân của gia đình Dwyer, họ có lẽ sẽ khó cảm thấy thỏa mãn.
No Escape (tựa Việt: Không lối thoát) khởi chiếu trên toàn quốc từ 9/10.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Theo Zing