Hồi Thứ 32  -  Hán Sở Tranh Hùng  -  Mộng Bình Sơn dịch

Ðuổi Bành Việt, Hạng vương chiếm Ngoại Hoàng.
Gặp Tề vương, Lịch Sinh thuyết khách

Hạng vương, sau khi bỏ Thành Cao, kéo về Bành Thành thì Vương Lăng đã đốc quân vây hơn mười ngày rồi.
Ðược tin Hạng vương trở về, Vương Lăng lập tức rút quân theo đường tắt kéo sang Huỳnh Dương.
Hạng vương không đuổi theo, dẫn quân vào thành an ủi cung quyến, rồi mở tiệc khao quân.
Bỗng có tin báo : 

- Bành Việt lấy hết mười bảy thành nước Lương hiện đang đóng nơi Ngoại Hoàng .
Hạng vương nổi giận nói :
- Ngày trước ta đóng quân ở Huỳnh Dương, bị Bành Việt chặn đường vận lương, thù ấy chưa nguôi, nay hắn lại cướp đất Lương, ta quyết không dung mạng.
Hạng Bá và Chung Ly Muội đồng nói :
- Ðại vương chinh chiến lâu ngày mỏi mệt, cử để Long tướng quân thay Ðại vương sang đánh mặt Ðông cũng được. Chúng tôi liệu Bành Việt là đứa dũng phi, không thể làm nên việc lớn.
Hạng vương nói :
- Không phải vậy. Hiện nay Hàn Tín đánh Tề rất ngặt, Ðiền Quảng đã mấy lần sai người cầu cứu. Ta muốn để Long Thư đem quân cứu Tề, còn Bành Việt lấn cướp đất Lương chính ta phải trừng trị mới đặng. Hôm sau, Hạng vương điểm binh mã kéo đến Ngoại Hoàng.
Quân thám thính vế báo, Bành Việt liền sai người dò xét xem binh Hạng vương kéo sang đường nào.
Sau khi dò biết quân Hạng vương kéo sang đường Ðông, các quận, huyện gần đó đều hàng Sở, Bành Việt liền gọi Loan Bố và các tướng vào thương nghị.
Loan Bố nói :
- Hạng vương tự mình cầm quân đến đây, khí thế mạnh lắm, ta không địch nổi. Chi bằng bỏ Ngoại Hoàng, leo lên phía Bắc giử Cốc Thành, chờ lúc quân Sở rút về ta lại cướp lấy đất Lương, đó là thượng sách. Còn nếu muốn đánh với Sở phải hợp sức với Hán đó là trung sách . Bằng lấy sức riêng mình chọi với Sở, đó là hạ sách .

Bành Việt nói :
- Nếu vậy thì chạy ra Cốc Thành là hơn, nhưng phải giao cho phó tướng Chu Thư và Ngoại Hoàng lệnh là Cừu Minh ở lại thủ thành, để quân địch khỏi biết việc ta lui quân.
Loan Bố nói :
-  Kế ấy rất hay. Nhân lúc quân Sở chưa đến ta nên di quân mới giữ nổi bí mật.
Cừu Minh nói :
- Việc di quân để tránh hỏa lực của địch là phải lẽ. Song nếu một mai thành này thất thủ, dân chúng không khỏi bị Hạng vương chém giết.
Cừu Minh vừa nói dứt lời. thì bên cạnh có một tiểu tử bước ra nói :
- Việc đó không lo. Nếu thành vỡ tôi sẽ dùng lời thuyết phục Hạng vương, không để cho Hạng vương giết hại dân chúng.

Bành Việt ngạc nhiên hỏi :
- Tiểu tử là con ai mà lại dám buông lời ngộ nghĩnh như vậy ?
Cừu Minh thưa :
- Nó là con lớn của tôi, tên Cừu Thúc.
Bành Việt hỏi :
- Cừu Thúc năm nay bao nhiêu tuổi ?
Cừu Minh nói :
- Năm nay nó vừa lên mười ba. Từ thuở lên năm, nó đã biết làm thơ rồi. Khi lên bảy thì bắt đầu đọc sách. Bất kỳ sách gì, hễ qua mắt là thuộc làu ngay. Mỗi khi có khách làm thơ, nó vẫn cùng khách xướng họa, xuất khẩu thành chương. Thường nhật, tính nó rất can đảm.
Bành Việt hỏi Cừu Thúc :
- Ngươi thuyết phục Bá vương bằng cách nào ?
Cừu Thúc ghé vào tai Bành Việt nói nhỏ một hồi.
Bành Việt tươi cười nói :
- Ngươi tuy nhỏ tuổi, song tài ấy có thể cứu được dân chúng Ngoại Hoàng, sau này lắm kẻ mang ơn.
Chiều hôm sau, Bành Việt chỉnh đốn binh mã, đợi đến canh hai, mở cửa phía Bắc, kéo quân lẻn đến Cốc Thành.
Ðến nơi, Bành Việt sai các tướng đem quân chiếm các quận huyện lân cận, và lấy Xương ấp làm thủy giác.
Cách đó mười ngày, quân Hạng vương mới kéo đến Ngoại Hoàng thấy trên thành cờ xí nghiêm chỉnh, bốn cửa đóng chặt, nhưng bên trong vắng bóng, không có một tên quân nào đi lại.

Hạng vương không hiểu cớ sự ra sao, truyền lệnh an dinh hạ trại, để dò thám tin tức.
Quân sĩ dò ngóng ba hôm, cũng chẳng thấy động tịnh gì cả.
Hạng Bá nói với Hạng vương :
- Chắc là Bành Việt bị cô thế nên làm ra cách "dĩ hư vi thiệt" để cho ta nghi ngờ không dám đánh thành.
Hạng vương khen phải, truyền lệnh ba quân ra sức công phá.
Trống khua dậy đất, pháo nổ vang trời, dân chúng trong thành khiếp sợ, kéo đến ra mắt Cừu Minh, và nói :
- Một cơn tức giận của Bá vương có thể làm cho lửa cháy hàng ngàn dặm. Ðiều đó ai cũng biết. Nay tướng quân cố thủ thành trì, rủi mai kia bị vỡ Hạng vương sẽ tức giận bằm thây bọn ngu dân này muôn mảnh. Bọn ngu dân chúng tôi tội tình gì chịu cảnh binh đao. Xin tướng quân mở cửa quy hàng, may ra Hạng vương nguôi giận tha cho chúng dân được sống sót.
Cừu Minh thấy dân chúng khóc lóc, động lòng, truyền lệnh treo cờ hàng, bốn cửa đều bày hương án, rồi lên thành nói vọng ra :
- Ngoại Hoàng nguyên là đất Sở, đâu dám chống đại binh trời, chúng tôi xin rước xa giá Ðại vương vào thành.
Hạng vương nghe nói, liền đốc quân kéo vào.
Sau khi đã an bài, Hạng vương đòi Hạng Bá đến nói :
- Ngoại Hoàng bị vây mấy ngày mới chịu đầu hàng, đó là thói đáng ghét. Ta muốn bắt tất cả đàn ông đàn bà từ mười lăm tuổi trở lên, đem đào hố chôn sống cho bõ ghét.
Dân chúng hay tin ấy kêu khóc ầm ĩ. Cừu Thúc vội đến trước mọi người nói :
- Chớ nên làm huyên náo như vậy Hạng vương biết được càng giận, chẳng ích chi. Ðể tôi đến nói với Bá vương cho.
Cừu Thúc liền đến trước cửa dinh, xin vào yết kiến Hạng vương.
Hạng vương truyền cho vào. Thoạt trông thấy một đứa bé mặt mũi khôi ngô, ung dung đi đến, Hạng vương liền hỏi :
- Mày là đứa trẻ miệng chưa ráo sữa, sao dám đường đột đến cửa quân, không sợ ta sao ?
Câu Thúc tươi nét mặt, đáp :
- Tôi là con đẻ của Ðại vương. Ðại vương là cha mẹ của tôi. Con đến yết kiến cha mẹ sao lại sợ ?
Hạng vương nghe câu nói lạ, lòng khoan khoái, hỏi:
- Ồ ! Con không sợ quân uy vào đây hầu ta, muốn nói chi chăng ?
Cừu Thúc nói :
- Tôi muốn Ðại vương đức như Vũ Thang, công như Nghiêu Thuấn, mở lòng trời đất, ban ơn hiếu sinh, khiến cho trăm họ yên vui. Còn như việc múa môi, khua mép làm thuyết khách, tính tôi không muốn.
Hạng vương nói :
- Ngươi đã không muốn làm thuyết khách, thế thì ta muốn chôn sống hết con trai, đàn ông ở thành này, ngươi nghĩ sao ?
Cừu Thúc nói :
- Tôi nghe nói dân là tấm gương phản chiếu hành động của kẻ cầm quyền. Kẻ nào yêu dân, sẽ được dân yêu, kẻ nào ghét dân sẽ bị dân ghét. Trước đây Bành Việt vì bạo ngược không thương dân, nên dân không phục, tuy đầu hàng nhưng vẫn mong Ðại vương đến đây để giải thoát. Nay Ðại vương đến, dân chúng chưa kịp mừng mà Ðại vương đã có ý ấy e rằng sau này Ðại vương đi đến đâu dân chúng sợ hãi, đóng cửa thành thà chết chứ không dám đầu hàng.
Hạng vương nghe nói như tỉnh ngộ, vội ra lệnh tha chết cho dân Ngoại Hoàng, và cấm quân lính không được xâm phạm của cải họ.
Dân chúng mừng rỡ, cảm ơn Cừu Thúc khôn cùng.
Hạng vương đóng quân ở Ngoại Hoàng năm ngày.
Dân chúng mười bảy phủ huyện trước kia Bành Việt chiếm được nay lại về đầu Sở  .
Sau khi bình định đất Lương, Hạng vương muốn đem quân đuổi theo Bành Việt.
Chung Ly Muội và Quý Bố can :
- Bành Việt chẳng qua như mụt ghẻ lở ngoài da, không đáng lo lắng. Nay Lưu Bang lấy Huỳnh Dương, đánh Thành Cao e rằng Tào Cửu không chống lại nổi. Ðại vương nên thừa thắng đến giải vây cho Thành Cao, lấy lại Quan Ðông, để cho quân Hán không kéo sang đây được, Hàn Tín không tiếp cứu Lưu Bang được, như thế mới toàn thắng.
Hạng vương nói :

- Trước kia ta đã dặn Tào Cửu phải cố thủ Thành Cao, chờ đại binh ta đến. Kế ấy nay vẫn còn dùng được.
Chung Ly Muội nói :
- Thế thì tôi xin lãnh một toán quân mã đi trước, đánh Huỳnh Dương, còn Ðại vương đem quân đánh Thành Cao. Hai nơi ấy dẹp đặng thì việc lớn thành công.
Hạng vương khen phải, sai Chung Ly Muội đi đánh Huỳnh Dương, còn mình đốc quân đi cứu Thành Cao.
Ở Thành Cao, từ khi quân Hán kéo đến, Hán vương sai Vương Lăng đem quân đánh thành. Tào Cửu nhất định đóng chặt cửa thành không chịu giao chiến.
Hán vương bàn với các tướng :
- Ðây chắc là kế Hạng vương dặn Tào Cửu thủ thành, chờ dẹp xong đất Lương sẽ tiếp ứng. Ta không nên trì hoãn, phải khiêu khích thế nào cho Tào Cửu ra trận.
Các tướng lãnh mệnh, ngày đêm đến dưới thành chửi rủa lắm lời thô bỉ, rồi lại vẽ hình Tào Cửu trên một miếng giấy, căng ra đánh.
Luôn ba ngày như thế, Tào Cửu tức không thể chịu nổi liền dẫn một toán quân mã, mở cửa thành kéo ra.
Quân Hán giả cách bỏ cả gươm giáo chạy trốn về phía sông Vỹ. 

Tào Cửu tức giận đuổi theo. Vừa đến bờ sông, đã thấy quân Hán phục hai bên nổi dậy, đi đầu là bọn Chu Bột, Chu Xương, Lã Mã Thông, la hét vang trời.
Quân Hán ồ ạt vây Tào Cửu vào giữa, chém giết quân Sở rất nhiều. 

Tào Cửu đánh phá một hồi vẫn không mở được vòng vây, lòng bối rối, nghĩ thầm :
- Ta chịu mệnh Bá vương, cố thủ Thành Cao, nay thất cơ như vầy không tránh khỏi tội .
Liền rút gươm tự sát giữa đám ba quân.
Hán vương đắc thắng, ra hiệu thu quân, kéo vào thành, bày tiệc thiết đãi các tướng.
Chợt có tin quân báo :
- Anh Bố ở Trần Lưu sang họp với Thái thú Trần Ðông đem ba vạn quân đến tiếp ứng .
Hán vương mừng rỡ nói :
- Ta đang tính việc đánh Huỳnh Dương, lo không người giữ Thành Cao, nay Anh Bố đến đây chính là dịp may.
Tức thì đòi Anh Bố vào . Anh Bố và Trần Ðông được lệnh vào yết kiến. 

Hán vương nói :
- Ta vừa lấy được Thành Cao mà chưa có người trấn thủ. Nay hai người đến đây thật đúng lúc.
Anh Bố và Trần Ðông lạy tạ, lãnh thành. Và, ngày hôm sau, Hán vương kéo quân đi đánh Huỳnh Dương.
Bấy giờ, Huỳnh Dương chỉ có vài tên quan lại coi giữ quân mã lại ít ỏi. Khi hay được tin Hán vương đến đánh, Thái Thú giữ thành là Lương Ðan liền triệu tập các bô lão trong thành vào dinh, giảng dụ rằng :
- Hán vương là bậc minh quân, đạo đức, không nên chống cự. Ta muốn mở cửa thành đầu hàng, để khỏi gây tang tóc muôn dân, các ông nghĩ sao ?
Các bô lão đều khen phải. Lương Ðan đem dân chúng ra ngoài thành rước đón quân Hán.
Hán vương vừa vào thành, phủ dụ dân chúng xong thì quân của Chung Ly Muội cũng vừa kéo đến.

Thám tử dò được tin đó, báo với Hán vương.
Hán vương nói :
- Chung Ly Muội kéo quân từ xa đến đây, người ngựa mỏi mệt. Ta phải đánh gấp, nốu để hắn an dinh lập trại khó mà trừ được.
Các tướng Vương Lăng, Chu Bột, Chu Xương, Quán Anh vâng lệnh lãnh mỗi người ba ngàn quân chia làm bốn đạo kéo ra thành khiêu chiến.
Lúc đó, Chung Ly Muội lập trại chưa xong, thấy quân Hán kéo ra, phải bỏ trại, chia quân chống cự.
Nhưng vì quân mã chưa định, hàng ngũ lộn xộn, đánh không lại, bị quân Hán giết rất nhiều. Quân Sở chạy tán loạn, Chung Ly Muội đành thu góp một số tàn quân trở về báo lại với Hạng vương.
Giữa lúc đó, Hạng vương cũng đã dẫn quân đến gần Thành Cao, được tin Tào Cửu tự vẫn, Thành Cao đã về quân Hán, hiện có Anh Bố và Trần Ðông trấn thủ.
Hạng vương ngần ngừ, chưa biết phải tiến, lui thế nào, thì bỗng được tin Chung Ly Muội thua ở Huỳnh Dương, binh mã tan rã gần hết.
Hạng vương thở dài, truyền đóng quân lại nơi Quảng Vũ, đề phòng quân Hán, không đánh Thành Cao nữa.


Nhắc lại Hàn Tín lúc này đóng quân ở Triệu, vì nghe tin Hạng vương chia quân, một mặt cứu Thành Cao, một mặt đánh Huỳnh Dương, nên ngại ngùng chưa dám xuất quân đánh Tề.

Tuy nhiên, cái tin Hàn Tín sắp đánh Tề đã lan tràn khắp nơi. Tề vương là Ðiền Quảng biết sớm muộn Hàn Tín cũng kéo quân đến, nên lo lắng lắm. Dân chúng nước Tề tổng hoảng sợ, ngày đêm nao núng.
Lịch Sinh ở Huỳnh Dương dò xét được tình trạng như vậy, nghĩ thầm :
- Bây giờ vua tôi nước Tề đang lúc kinh sợ, nếu ta sang đó bày tỏ lợi hại cho họ biết, chắc họ phải về hàng.
Quân Hán không phải tốn công, nhọc sức mà lấy được hơn bảy chục thành Tề, như thế công của ta chẳng nhỏ .
Nghĩ rồi, vào yết kiến Hán vương, nói :  
- Nay Yên, Triệu đã hạ được rồi, duy còn có Tề chưa chịu hàng phục. Dòng dõi họ Ðiền rất mạnh, lại ở gần Sở biến trá không lường, dẫu kéo quân đến đó cũng chưa dễ phá gấp nổi. Xin Ðại vương cho tôi sang Tề, dùng ba tấc lưởi khuyên Tề hàng Hán.
Hán vương nói :
- Nếu Tiên sinh có thể thuyết phục được Tề hàng Hán, tránh nạn binh đao thật là phúc cho sinh linh. Vậy nhân lúc Hàn Tín chưa dấy binh, Tiên sinh nên đi ngay mới được.  
Nói xong, Hán vương thảo chiếu, giao cho Lịch Sinh sang Tề  .
Lịch Sinh sắp đặt hành trang, lên đường thẳng đến nước Tề, không vào quán trọ, đến vương phủ mượn người vào tâu với Tề vương rằng :
- Có người sứ giả bên Hán đến xin ra mắt, nói về việc lợi hại giữa hai nước, tránh nạn binh đao cho dân chúng .

Tề vương cho vào. Lịch Sinh ung dung bước vào chánh điện, nghênh ngang như chỗ không người.
Tề vương tức giận nói :
- Nhà ngươi vào đây lẽ phải giữ lễ tôi thần, cớ sao ngông nghênh như thế ?
Lịch Sinh nói :

- Hiện nay Hán vương có hàng trăm vạn binh mã, lại thêm Hàn Tín đóng quân nơi nước Triệu, sắp sửa kéo sang diệt nước Tề. Dân nước Tề như cá nằm trong chậu, chiếc ngai vàng của Ðại vương chẳng bao lâu sẽ mất. Tôi đến đây là muốn cứu nước Tề thoát khỏi cảnh binh lửa, chứ không ích lợi gì cho tôi. Nếu Ðại vương nghĩ đến nước mất nhà tan thì cùng tôi bàn bạc, bằng không thì cứ giết tôi đi, tôi có cần gì phải quỳ lụy ai.
Tề vương nói :
- Nước Tề ta đất vuông nghìn dặm, quân mã dồi dào, lương thực sung túc, phía Nam ngăn được nước Sở, phía Bắc chống được nước Yên, trong có văn thần coi việc chính trị, ngoài có tướng mạnh giữ yên bờ cõi. Cứ như tình thế này, nước Tề ta đông đô nghỉ quân, lặng xem những cuộc được thua của thiên hạ, việc gì mà phải lo ?
Lịch Sinh cười lớn nói :
- Ðại vương tự dối lòng mình, ìấy cái an bề ngoài trấn áp cái nguy bên trong. Xin Ðại vương xét thử Ðại vương với Bá vương ai mạnh hơn ? Ðến như Bá vương mà vẫn không giữ nổi Quan Trung, chạy đến Bành Thành cũng chẳng yên thân, đất cát chư hầu bị mất gần hết, huống chi Ðại vương chỉ có mảnh đất vuông nghìn dặm chống sao lại với Hán ?
Tề vương trầm tư không đáp. Lịch Sinh nói tiếp :
- Ðại vương tự liệu thiên hạ sắp về ai ?
Tề vương đáp :
- Cái cơ trời không thể biết trước được .
Lịch Sinh nói .
- Ðại vương không xét nổi cư trời, thảo nào Ðại vương trách tôi là vô lễ. Cứ như lẽ thường trong vũ trụ, kẻ nào được lòng dân là kẻ ấy được thiên hạ. Hạng vương tuy có sức mạnh nhưng lòng dân không phục . Hán vương tuy thiếu sức, nhưng đức lượng có thừa, một lời nói có thể thu phục hàng ngàn người. Thử hỏi, sức mạnh liệu có chống nổi với đạo đức chăng ? Vả lại, qua mấy trận giao tranh Hạng vương lần lần mất uy thế, dân chúng từ từ rời bỏ, đất đai hẹp dần, còn Hán vương từ thế yếu chuyển qua thế mạnh, thiên hạ một lòng ngưỡng vọng xem thế thì thấy cái thắng của Hán vương đã hiện rõ ra trước mặt.
Tôi tưởng như Ðại vương ngày nay cũng nên sớm đầu Hán để giữ lấy cơ nghiệp nước Tề, tránh cho dân chúng khỏi vì sự nông cạn của Ðại vương mà mang họa đao binh.
Tề vương nghe dứt câu, đứng dậy xin lỗi, và nói :
- Tiên sinh đến đây thật quả vì nước Tề. Vừa rồi ta thất lễ với Tiên sinh, xin Tiên sinh tha thứ cho. Vậy xin dám hỏi Tiên sinh một lời : "Muốn hàng Hán phải làm thế nào ?
Lịch Sinh nói :
- Ðại vương cứ thảo hàng biểu đưa sang cho Hán vương. Tôi ở lại đây đợi Hán vương đến sẽ bàn sự giao hảo giữa hai nước.
Mưu sĩ Ðiền Hoành ngồi bên cạnh, thấy vậy đứng dậy nói với Tề vương :
- Ta không nên vì ý thức hàng Hán mà để trể biếng quân binh . Hiện nay Hàn Tín đồn binh nơi nước Triệu , phỏng nay mai Hàn Tín kéo binh đến thì làm sao ?
Lịch Sinh nói :
- Tôi đến đây do chiếu chỉ của Hán vương, không phải tự ý mình . Hàn Tín làm gì dám trái lệnh vua ?
Tề vương nói :
- Nếu vậy Tiên sinh viết cho Hàn Tín một bức thư, bảo phải thu quân tin ta mới tin lời đặng .
Lịch Sinh vâng lời viết một phong thư, sai người sang nước Triệu đưa cho Hàn Tín.
Hàn Tín đóng quân ở nước Triệu đã lâu ngày, tính việc đánh Tề , bỗng có sứ giả của Lịch Sinh sai đến, nói :
- Lịch Ðại phu vâng chiếu Hán vương sang Tề dụ hàng . Tề vương đã bằng lòng thảo hàng biểu, gởi đến Thành Cao. Hiện có thư của Lịch Ðại phu gởi đến trình Nguyên soái.
Hàn Tín tiếp lấy thư, mở ra xem. Trong thư đại ý nói :
" Ðại phu nước Hán , Lịch Tự Cơ cúi đầu dâng thư dưới cờ Hàn Ngyên soái .
Tôi vâng chiếu Hán vương sang Tề dụ hàng. Tề vương đã thỏa thuận. Thế là nhờ thánh minh của Hán vương và uy đức của Nguyên soái quân Hán không phải tốn công nhọc sức mà lấy được hơn bảy chục thành, còn được sinh mạng dân chúng một nước. Nay dâng thư này, dám xin Nguyên soái ngưng việc can qua, rút quân về đóng ỡ Thành Cao đem bồi bổ thực lực, lo việc đánh Sở. Như thế công của Nguyên soái rất lớn. Tự Cơ kính tường  " .


Hàn Tín xem thư xong, mừng rỡ, nói với sứ giả :
- Nếu Lịch Ðại phu đã dụ hàng được nước Tề rồi thì ta sẽ đem binh về Thành Cao cùng với Chúa thượng lo việc đánh Sở. Tuy nhiên, Tề vương cũng nên để ý khi nào quân Hán kéo đến Từ Châu thì phải đem quân trợ giúp để cùng phá Sở.
Liền đó, Hàn Tín thảo phúc thư giao cho sứ giả đem về đưa cho Lịch Sinh.
Nhận được thư, Lịch Sinh liền ra mắt Tề vương, kể rõ công việc.
Tề vương hoan hỉ, suốt ngày chỉ cùng Lịch Sinh uống rượu, nói chuyện, không nghĩ gì đến quân cơ nữa.
Trong thời gian đó, Hàn Tín cũng lo việc giải binh, trở về Thành Cao hội các tướng dưới thềm để ban mệnh lệnh.
Bỗng có người bước ra nói lớn :
- Không nên, nếu nghe lời Lịch Sinh kéo binh về, công lao của Nguyên soái từ bấy lâu nay mất hết.
Hàn Tín xem lại, thấy người vừa nói đó là Khoái Văn Thông. 

Hàn Tín hỏi :
- Nhà ngươi nghĩ như thế nào mà bảo không nên rút quân ?
Khoái Văn Thông nói :
- Nguyên soái thống lãnh binh mã trăm vạn đã hơn một năm nay rồi mà chỉ lấy được năm mươi thành nước Yên. Còn Lịch Sinh chỉ dùng một lời nói, lấy được hơn bảy mươi thành nước Tề. Thế là uy đức của Nguyên soái chẳng bằng một lời nói của Lịch Sinh. Bây giờ rút quân vê Thành Cao, Nguyên soái mặt mũi nào trông thấy Hán vương. Cứ theo ý tôi lúc này nước Tề chắc không đề phòng. Nguyên soái cứ đốc quân thẳng đến nước Tề, lấy nước Tề rất dễ. Công ấy hoàn toàn về Nguyên soái.
Hàn Tín nói :
- Lịch Sinh sang Tề là vâng mệnh Hán vương chứ không phải tự ý riêng. Nếu ta kéo quân sang Tề e trái lệnh vua, và cũng không lợi cho Lịch Sinh nữa.
Khoái Văn Thông nói :
- Lúc trước Chúa thượng sai Nguyên soái đi đánh Tề, lệnh ấy đã nhất định rồi, sao ngày nay còn sai Lịch Sinh đi dụ Tề nữa. Tôi chắc rằng Lịch Sinh muốn tranh công với Nguyên soái nên xin Chúa thượng mà đi đó thôi. Bây giờ Nguyên soái trở về các tướng sẽ cười Nguyên soái là bất tài, và sau này Chúa thượng cũng khinh Nguyên soái mà trọng bọn nho sĩ hơn. Dầu Nguyên soái có đánh tan nước Sở cũng chẳng vẻ vang gì, Nguyên soái nên xét lại.
Trương Nhĩ cũng xen vào, nói :
- Văn Thông nói phải lắm . Nguyên soái đã đem quân ra ngoài ải không cần phải khư khư theo mệnh vua nữa.
Hàn Tín theo lời chỉnh đốn quân mã kéo thẳng sang Tề, không về Thành Cao.

Hết Hồi 32  -  Hán Sở Tranh Hùng    -  Mộng Bình Sơn dịch
Xem Hồi 33