Hồi Thứ 19  -  Hán Sở Tranh Hùng  -  Mộng Bình Sơn dịch

Chém Ân Cái, Hàn Tín giữ phép
Sửa Sạn đạo, Phàn Khoái lo thân

Lịch Sinh lãnh sách đem về sai 40 người chép lại, chỉ trong hai ngày là xong. Liền đem phân phát cho các tướng theo đó tập luyện quân binh.

Hàn Tín vào triều đem công việc mình đã làm tâu lại với Hán vương, rồi truyền các tướng ra nơi giáo trường duyệt binh: 

Trong lúc tập luyện có vài tên quân trĩu phép, Hàn Tín sai chém đầu làm lịnh. Ba quân đều khiếp sợ, răm rắp tuân theo. 

Chỉ trong hai mươi ngày, quân nào tướng ấy đâu đó chỉnh tề, hiệu lệnh không sai một mảy.

Một hôm, Hán vương thân hành đến xem duyệt binh, trông thấy Hàn Tín mặc nhung phục oai phong lẫm liệt tinh kỳ phất phới, vũ dũng khác thường, quân tướng kỷ luật rất nghiêm, lòng tấm tắc ngợi khen.

Hàn Tín bước đến tâu :

- Tâu Ðại vương, nhờ uy đức của Ðại vương, hạ thần đã rèn luyện quân sĩ được một kỹ thuật chiến đấu khá cao. Vậy xin Ðại vương ban cho tướng sĩ lời hiểu dụ để kích thích lòng phấn đấu của họ.

Hán vương y tấu, thảo lời chỉ dụ, rồi sai một viên quan hầu cận tuyên đọc :

" Sở Bá vương Hạng Vũ tàn bạo, giết vua Nghĩa Ðế , tàn sát muôn người , lại bội ước đoạt Hàm Dương tiêm xưng vương vị. Trăm họ một lòng phẫn nộ, mong thoát cảnh lầm than. Ta, nay vì dân, khởi binh trừ loạn, phong Hàn Tín làm Phá Sở Nguyên Nhung giữ việc chinh phạt . Ấy vậy binh tướng phải một lòng tùng phục để hoàn thành nhiệm vụ trọng đại chung của chúng ta. Kẻ trung với vua, chớ lấy việc bất bình nhỏ mà trái mạng, kẻ trung với nước không vì quyền lợi cá nhân mà bỏ quyền lợi chung. Sứ mệnh thiêng liêng đang cần sự góp sức của mọi người. Ba quân phải gìn lòng trung nghĩa. Nay chỉ dụ " . 

 

Binh tướng nghe lời chỉ dụ, im phăng phắc.

 

Hàn Tín lấy một tấm bảng, yết các điều luật nơi trước doanh trại như sau : 

1 ) Nghe trống không tiến, nghe chiêng không lùi, phất cờ không dậy, ngã cờ không phục, đó là tội bội quân, phải chém. 

2) Gọi đến không thưa lúc điểm quân vắng mặt, sai hẹn, trễ nải, đó là tội mạng quân, phải chém.

3) Ðêm nghe hiệu mõ không báo lại, giờ canh bỏ vắng, khẩu hiệu nói sai, cứng cổ khó răn, đó là tội hoạnh quân, phải chém.

4) Ðem oán hờn rêu rao trong qu ân sĩ, nói sau chủ tướng, không tuân mệnh truyền, đó là tội khi quân, cần phải chém.

5) Giáo gươm không sắc, cờ hiệu thất lạc, cung để đứt dây, tên bỏ mất cánh, đó là tội thất thoát, cần phải chém.

6) Bạ nói bạ cười, không tuân lệnh cấm, rượu chè be bét, tiết lậu quân tình, đó là tội khinh quân, phải chém.

7) Ðặt chuyện điêu ngoa, ma quái, làm rối lòng quân, khinh lờn chính lệnh, đó là tội ngoa ngữ, cần phải chém.

B) Ði đến đâu quấy nhiễu dân sự, hiếp chốc đàn bà đó là tội gian quân cần phải chém  .

9) Lấy tài sản người làm của mình, đoạt công người làm công mình, đó là tội đạo quân, cần phải chém.

10) Lúc hành quân không chú ý đến lạc hàng ngũ, trái hiệu lệnh, đó là tội loạn quân, cần phải chém.

11) Giả ốm đau. lánh nặng tìm nhẹ, đó là tội trá quân, cần phải chém.

12) Không biết thương yêu, giúp đỡ đồng đội, để giặc uy hiếp mà không tiếp cứu đó là tội tệ quân, cần phải

chém. 

Mười hai điều cấm kẻ nào phạm, chiếu đó xử trị. Nay đặc lệnh.

 

Hán vương xem khắp doanh trại và đội ngũ một lượt lại xem đến tờ yết thị, tấm tắc khen thầm :

Quân mã ngày trước so với ngày nay khác một trời một vực. Trước kia như trò trẻ con, nay chẳng khác nào một mãnh hổ. Như thế lo gì việc Ðông chinh chẳng thắng.

Hàn Tín lạy tạ. Hán vương quay giá về cung.

Hôm sau, đầu trống canh năm, Hàn Tín lại đến giáo trường vào trung quân ngồi. Quan Tư thần đến trình giờ xong, Hàn Tín gọi chư tướng đến điềm diện.

Các tướng đều có mặt, chỉ thiếu quan Giám quân Ân Cái không đến  .

Hàn Tín không nói gì cả, cứ đem quân ra thao diễn.

Ðến quá ngọ, Ân Cái mới ngất ngưởng từ ngoài bước vào.

Viên quan Thủ môn ngăn lại nới :

- Nguyên soái thao diễn quân mã đã nửa ngày rồi, tướng quân mới đến. Nếu muốn vào giáo trường phải đợi tôi báo với quan Tiểu kỳ giáp đã.

Nói xong, chạy vào báo với quan Tiểu kỳ giáp.

Quan Tiểu kỳ giáp lại báo với quan Chánh tư , và quan Chánh tư bẩm lên Hàn Tín.

Trong lúc đó Ân Cái đứng quắc mắt nhìn hành động của quan Thủ môn, và hét lớn :

- Gớm ! Rõ là đứa tiểu nhân đắc ý ! Việc gì lại nghi vệ đến thế?

Vừa dứt lời, có lệnh Hàn Tín đòi vào.

Ân Cái nghênh ngang bước vào tỏ vẻ tự đắc, không sợ sệt gì cả .

Khi đến, trước trướng, Ân Cái giơ tay vái dài, rồi đưa mắt nhìn quanh.

Hàn Tín ung dung nói : 

- Trước Thánh thượng đã có lời hiểu dụ, sau đó, ta cũng có lệnh cấm, người làm chức Giám quân, cớ sao đến bây giờ mới tới. Như vậy còn gì là quân luật nữa.

Ân Cái đứng lặng thinh một lúc, rồi nghiễm nhiên đáp :

- Tôi cũng muốn tuân lệnh tướng quân, song vừa rồi tôi có vài người bà con sắp phải đi xa, nên làm mâm rượu tiễn hành, vì trót uống quá chén, không đến sớm được, xin Nguyên soái thứ dung.

Hàn Tín đập tay xuống bàn hét :

- Thế ra người coi bữa rượu hơn thượng lệnh !

Dứt lời hô võ sĩ trói Ân Cái lại.

Lúc bấy giờ Ân Cái mới có ý sợ sệt, dập đầu lạy, nói :

- Xin Nguyên soái vị tình một kẻ đã có công lớn với Chúa thượng, dung tha cho... 

Hàn Tín chỉ vào mặt mắng :

- Người đã làm tướng há lại không biết ngày chịu mệnh vua tức là ngày phải bỏ nhà cửa, ngày chịu việc quân tức là ngày phải xa cha mẹ ! Lúc chiêng hồi trống giục tức là lúc phải quên thân mình sao ? Nay đã đem thân phò chúa còn tiếc miếng ăn à ?

Nói đến đây, Hàn Tín quay lại hỏi viên quan Chánh tư : 

- Việc quân trễ biếng, quân luật định sao ?

Quan Chánh tư là Tào Tham lấy bản điều lệ ra xem, rồi đến trước trướng bẩm :

- Bẩm Nguyên soái, theo luật là tội phạm quân, phải chém. 

Hàn Tín truyền lệnh đem Ân Cái ra chém.

Ân Cái mặt như chàm đổ, đưa mắt nhìn Phàn Khoái cầu cứu . 

Phàn Khoái bấy giờ cũng đã biết phép, đành đứng nhìn không dám nói lời nào.

Quân đao phủ lôi Ân Cái ra viên môn.

Có người chạy về triều báo cho Hán vương biết.

Hán vương thất kinh, truyền đòi Tiêu Hà đến phán :

- Hàn Nguyên soái chưa ra quân mà đã chém mất một kiện tướng của ta, việc này e bất lợi. Thừa tướng nghĩ sao ?

Tiêu Hà nói :

- Tâu Ðại vương, trước khi ra quân, hiệu lệnh phải nghiêm minh. Hàn Nguyên soái chưa ra quân mà chém tướng tức là tỏ tài làm tướng của Hàn Nguyên soái đó. Xin Ðại vương cứ ủy thác cho Hàn Nguyên soái, đừng bận rộn.

Hán vương thở dài nói :

- Ðành vậy, song Ân Cái là người chí thân của ta, theo ta từ Phong Bái đến đây, lẽ nào tạ bỏ chết cho đành !

Tiêu Hà nói :

- Xưa có câu "Công pháp bất vị thân". Ðại vương nên vì thiên hạ, vì quốc gia, đừng vì người thân mà bỏ phép nước. Bỏ một ân Cái mà được thiên hạ thì có hại gì.

Hán vương sợ để lâu, Ân Cái chết mất, hến gọi Lịch Sinh đến bảo :

- Ngươi khá mang tờ chỉ dụ của ta, đến giáo trường truyền tha chết cho Ân Cái.

Lịch Sinh vâng mệnh, phi ngựa đến cửa quân, thấy Ân Cái đang bị trói dưới viên môn, còn quân đao phủ đang sắp sửa khai đao, liền gọi la :

- Khoan đã ! Khoan đã ? Chúa thượng có chiếu chỉ đến đây.

Miệng vừa nói, chân vừa bước sấn vào. Quan thủ môn trông thấy chạy đến cản lại, nói :

- Nguyên soái có lệnh cấm không ai được phép tự tiện vào cửa quân, cớ sao ngài lại vi phạm ?

Dứt lời nắm áo Lịch Sinh lôi thẳng đến trước trướng, bẩm :

- Bẩm Nguyên soái, người này tự tiện cời ngựa xông vào quân trung, tiểu tướng không ngăn được, phải dẫn vào đây bẩm báo. .

Hàn Tín thấy Lịch Sinh liền hỏi :

- Lệnh quân đã cấm, Lịch Ðại phu là người có học thức lẽ nào không biết điều ấy ?

Lịch Sinh biết mình có lỗi, liền nói :

- Tôi vì có chiếu vua rất gấp nên vội vã vào đây, trái lệnh Nguyên soái, xin Nguyên soái châm chước !:

Hàn Tín nói :

- À ! Thế là quan Ðại phu phụng chiếu Chúa thượng đến đây sao ?

Liền quay qua hỏi quan Chánh tư :

-Xông đột vào trung quân phạm tội gì ?

Tào Tham thưa :

- Cũng phải chém đầu làm lệnh.

Hàn Tín ung dung nói :

- Theo luật thì thế, song Lịch Ðại phu phụng chỉ đến đây, vậy chém lấy đầu ngựa để giữ phép. Còn Ân Cái thì phải lấy đầu, không được trễ nải.

Quân đao phủ được lệnh chém đầu Ân Cái và chém đầu ngựa Lịch Sinh đem nạp trước trướng.

Ba quân trông thấy đều khiếp vía.

Lịch Sinh khỏi chết, vội vã chạy về tâu với Hán vương :

- Tâu Ðại vương, hạ thần phụng mệnh đến cứu Ân Cái bất đồ phạm phải luật "xông đột trung quân.'. May mà nhờ có chiếu chỉ Ðại vương mới được thoát chết, song cũng bị chém mất đầu ngựa để thị chúng . Còn Ân Cái thì đã rơi đầu rồi, không còn cứu kịp nữa.

Hán v­ơng nổi giận, hét : 

- Ðã có chiếu chỉ của ta mà Hàn Tín vẫn không tha chết cho Ân Cái, thật là.đứa khi quân vô lễ. ..

Tiêu Hà vội quỳ tâu : 

- Theo quân luật : Viên tướng đang cầm quân cũng có lúc không tuân mệnh vua ! Ðó chính là cái quyền khổn ngoại của kẻ làm tướng, xin Ðại vương chớ nên trách .

Hán vương hỏi :

- Hàn Tín dụng ý gì mà chém Ân Cái ?

Tiêu Hà nói :

- Ân Cái là người thân thích của Ðại vương. Giết Ân Cái, Hàn Nguyên soái đã trấn áp được ba quân, làm cho quân sĩ chỉ biết có chủ tướng mà không biết đến ai nữa cả. Binh pháp có nói : "Quân biết sợ chủ tướng thì đánh đâu cũng thắng, quân mà sợ ngoại địch thì không mong gì thắng được ai". Hàn Nguyên soái làm như thế Ðại vương nên mừng mới phải.

Lịch Sinh nối lời tâu :

- Hàn Nguyên soái uy phong rất nghiêm. Tôi tưởng Hạng Vũ sau này không khỏi chết về tay Hàn Tín. Xin Ðại vương giáng chỉ ban khen, một là làm vui lòng Hàn Tín, hai là tăng khí ba quân. Uy vũ Hàn Tín càng tăng bao nhiều, tức là hồng phúc của Ðại vương càng to bấy nhiêu xin Ðại vương chớ ngại.

Hán vương thấy hai người một ý cũng đổi giận làm vui phán :

- Hai khanh đã bảo tấu, ta cũng nhận lời.

Liền viết sắc thư sai quân cận thần là Chu Nguyên Thần đem dê rượu đến của quân ban thưởng .

Nghe có vương mệnh đến, Hàn Tín lật đật bày hương án bái mạng.

Vương sứ đọc sắc thư như sau :

" Ðạo làm tướng nếu không trọng pháp luật thì sao chế ngự được ba quân ? Tôn Vũ xưa có chém Ngu Cư mới ban hành được nghiêm pháp. Lời xưa lại có nói : " Pháp bất vị thân " .  Tôn Vũ vốn biết Ngu Cư là người yêu của vua mà vẫn phải chém. Hàn Nguyên soái biết Ân Cái là người thân của ta mà vẫn không tha. Thế mới đáng là kẻ cầm quân khiển tướng. Giết một Ân Cái mà nghìn người phải sợ, quân lực uy nghiêm, ta rất bằng lòng. Nay sai quan cận thần Chu Nguyên Thần mang dê, trợn đến thưởng Nguyên soái. Nguyên soái cứ phép mà làm, mau mau phất cờ dẹp loạn, cứu dân, khỏi phụ lòng mong của ta. Nay sắc " .

 

Hàn Tín nghe đọc sắc thư , cúi đầu lạy tạ, rồi theo Chu Nguyên Thần vào triều tạ ơn. 

Hán vương nói :

- Ta rất hài lòng tướng quân. Từ nay tướng quân dùng phép cứ nghiêm như thế mới được.

Hàn Tín nói : 

- Muôn tâu Ðại vương, hạ thần chịu ơn tri ngộ của Ðại vương dẫu bỏ thân nơi chiến trường nợ chưa đền đáp đặng . Nay nắm trong tay mấy mươi vạn sinh mệnh, nếu quân pháp không nghiêm, làm.không tròn nhiệm vụ, để phụ ơn Ðại vương thì tội chăng nhỏ. Vì vậy, hạ thần đã tòng quyền khổn ngoại, may được Ðại vương tưởng đến làm cho quân sĩ thêm uy, thật hạ thần lấy làm cảm đức.

Hán vương cầm tay Hàn Tín dắt lên cùng ngồi bàn việc quân cơ. Mãi cho đến lúc trăng lên đỉnh đầu, Hàn Tín mới trở về dinh.

Cách mấy hôm sau, Hàn Tín gọi Phàn Khoái đến trướng bảo :

- Tướng quân làm chức Tiên phong, phải vì quốc gia tận lực. Nay mai Chúa thượng xuất giá Ðông chinh, mà đường Sạn đạo khi xưa đã bị Tử Phòng đốt rồi, quân mã không làm sao đi được. Nay tướng quân phải đem một vạn nhân mã, sửa sang lại con đường đó. Ta cho Chu Bột cùng Trần Vũ đi theo giúp sức, hạn trong một tháng phải sửa sang xong, nếu sai lệnh sẽ chiếu quân luật trị tội. 

Tướng quân nên đi ngay, chớ vì khó nhọc mà bất bình.

Phàn Khoái nghe nói, ướt mồ hôi, sợ hãi thưa :

- Nguyên soái đã sai thì dẫu chết tôi cũng chẳng dám từ. Tuy nhiên, con đường Sạn đạo nguy hiểm vô cùng dài hơn ba trăm dặm, nếu muốn tu bổ phải ba năm chưa chắc đã xong, huống hồ chỉ trong một tháng thì làm sao hoàn thành được. Thôi, nếu Nguyên soái muốn giết Khoái này, thì Khoái này xin chịu chết ngay trước trướng.

Hàn Tín vừa cười, vừa nói :

- Tướng quân nghĩ lầm rồi ? Việc gì ta lại muốn giết tướng quân ! Phàm kẻ làm tôi, gặp việc không nên sợ khó, nếu sợ khó chẳng bao giờ làm được chuyện phi thường. Tướng quân tự hào là trung nghĩa, can đảm hơn người, vậy phải nhân dịp này làm cho thiên hạ thấy cái trung nghĩa và can đảm ấy, cớ sao lại lo sợ ?

Phàn Khoái muốn nói nữa nh­ng lại sợ phạm quân luật đành phải thở dài lui ra.

Phàn Khoái đi rồi, Hàn Tín liền ra diễn trường chỉnh đốn nhân mã, truyền chư tướng đem quân ra duyệt lại một lần nữa. Lần này pháp luật đâu đó nghiêm minh, không ai còn vi phạm nữa, chiến thuật tuyệt vời.

Hàn Tín thân đến yết kiến Hán vương, tâu :

- Hạ thần đã thao luyện quân mã xong, xia mời Ðại vương ngự lãm.

Hán vương nói :

- Lần trước đã thấy tướng quân trù hoạch khác thường, quân cơ tinh xảo. Nay lại thao luyện hơn một tháng nữa, chiến thuật tất tuyệt vời, ta cần gì phải xem nữa ?

Tiêu Hà bước tới tâu :

- Ngày xuất chinh sắp đến, xin Ðại vương xem xét tường tận để an lòng ngự giá.

Hán vương theo lời, thẳng đến giáo trường, thấy cơ nào đội ấy, gươm giáo sáng lòa, cờ hiệu uy nghi, nhân mã tề chỉnh, tiến thoái có kỷ cương, ngồi đứng theo khuôn phép, liền ban lời, bảo các tướng :

- Hàn Nguyên soái dùng binh như thế này dẫu Tôn, Ngô ngày xưa cũng chưa hơn đặng. Ta rất hài lòng, và ngợi khen tinh thần cố gắng của các tướng và toàn thể binh sĩ.

Ðoạn ngoảnh lại hỏi Hàn Tín :

- Nguyên soái liệu sức quân bây giờ đã Ðông chinh được chưa ?

Hàn Tín quỳ tâu : 

- Tâu Ðại vương, hạ thần đã sai Phàn Khoái đi sửa Sạn đạo rồi, hạn trong một tháng phải xong. 

Hán vương ngạc nhiên, nói:

- Sạn dạo gian nguy, lên ghềnh xuống thác, dài hơn ba trăm dặm. Công trình vĩ đại ấy dẫu ba năm chưa chắc đã xong, Nguyên soái trù liệu một tháng thì làm sao thành việc ?

Hàn Tín tâu :

- Việc quân cơ có nhiều chuyện lạ, xin Ðại vương cứ an tâm, chẳng bao lâu hạ thần sẽ rước Ðại vương ngự giá Ðông chinh, xin Ðại vương đừng hỏi vội.

Hán vương hiểu ý, không hỏi nữa, mời Hàn Tín cùng mình dùng ngự thiện. Trong tiệc, Hán vương chỉ ăn qua loa, các món ngon vật lạ đều ban cho Hàn Tín hết  .

Tiệc xong, Hán vương ngự giá về triều, Hàn Tín bái tiễn ra khỏi cửa quân, rồi truyền lệnh cho Phàn Khoái phải cấp tốc đi ngay.

Phàn Khoái dẫn một vạn nhân phu đến Sạn đạo, thấy núi non trùng điệp, khe suối quanh co, đèo cao chót vót vực thẳm muôn trùng, chỗ đường cũ trước kia bị đốt giờ đây cây cối um tùm, không chỗ chen chân, dấu cũ không còn nhìn thấy nữa. Cả đoàn nhân phu chỉ nhìn nhau than thở, không biết làm cách nào để khởi công.

Phàn Khoái nghĩ thầm :

- Thôi rồi ! Thế này là Hàn Nguyên soái không dám phá Sở, nên sai ta đi làm cái chuyện khó khăn này để lấy cớ Sạn đạo chưa xong, không bao giờ rả quân cả.

Nghĩ rồi, Phàn Khoái nói với dân phu :

- Việc làm hiểm trở như vầy dẫu cho m­ời vạn dân phu, làm suất ba năm chưa chắc đã xong. Nay quân lệnh rất nghiêm , Chúa thượng lại đang tin Nguyên soái, nếu chúng ta không tiến hành ắt rơi đầu, chi bằng cứ làm, đến đâu hay đến đó. 

Dân phu theo lời, xúm nhau chát cây, đốn gỗ.

Nhưng sức người yếu ớt không thấm vào đâu cả. Làm luôn mấy ngày mà chỉ phát được một đoạn đường đi không lọt một con ngựa.

Phàn Khoái ngước mặt lên trời than :

- Chà ? Thật đáng giận cho Tử Phòng ! Ðốt Sạn đạo làm gì để ngày nay lụy đến Khoái này ?

Trọng lúc đang lo buồn chợt thấy quan Thái Trung Lục Giả dẫn một nghìn quân ky đến, đưa cho Phàn Khoái một phi hịch.

Phàn Khoái mở ra đọc. Hịch rằng :

" Ðại Hán phá Sở Nguyên soái Hàn Tín lưu ý Phàn tướng quân. Nay mai Ðại quân sẽ Ðông chinh, vậy phải kíp sửa sang Sạn đạo lập ngày đã định. Nếu quá hạn chiếu theo quân pháp trị tội. "

Phàn Khoái đọc hịch xong dậm chân kêu trời, nói : 

- Nguyên soái đình giết Khoái tôi rồi ! Ðường sá thế này mà hạn một tháng, dẫu thợ trời cũng chưa làm xong, huống chi chúng tôi là người phàm xác thịt.

Nói rồi buồn bã dẫn Lục Giả về trại dân phu để thết đãi

Nhân lúc vắng người , Lục Giả  ghé tai bảo nhỏ Phàn Khoái mấy câu:

Phàn Khoái mừng rỡ, nét buồn đổi ra nét hân hoan. Tuy nhiên vẫn làm ra vẻ khệnh khạng; nói giữa đám dân phu :

- Công trình to tát thế này mà Nguyên soái bảo một tháng phải làm xong. Khoái tôi phen này chắc chết.

Dân phu thấy vậy cũng thương thầm cho số phận Phàn Khoái.

Hôm sau, Phàn Khoái viết biểu sai người về triều dân cho Hán vương.

Biểu rằng :

" Muôn tâu Ðại vương. từ lúc hạ thần theo.phò Ðại vương đến nay không có công việc nào dám để bê trễ. Nay tu bổ Sạn đạo là công trình vĩ đại, Nguyên Soái chỉ cấp có một vạn dân phu, hẹn một tháng phải hoàn thành, nếu không phải tội chết . Thiết nghĩ : dẫu hạ thần có gắng sức đến đâu cũng vô ích. Chẳng ai có thể làm công việc quá sức người được.

Cái chết của hạ thần tất không tránh khỏi. Nếu Ðại vương thương tình, xin xuống chiếu truyền dân các quận quyện lân cận , điền bát cho một vài vạn dân phu nữa, may ra có thề gỡ được nguy cơ trước mắt !

Khoái tôi muôn phần sợ hãi cúi dâng biểu kính rin ơn trên soi xét. "

 

Hán vương xem biểu xong, lập tức sai Ngự sử là Chu Bột, cầm một đạo sắc, hỏa tốc đến quận Phổ An bắt một vạn dân phu giao cho Phàn Khoái.

Phàn Khoái được thêm dân phu mừng rỡ, kêu Chu Bột, Trần Vũ đến chia ra làm nhiều toán mỗi toán có một toán trưởng coi làm. 

Ðoạn kề vào tai Chu Bột và Trần Vũ nói nhỏ mấy câu .

Ðêm ấy, hai tướng, mỗi người dẫn một đoàn dân phu tinh tráng thay đổi y phục, vượt núi ra đi.

Hết Hồi 19  -  Hán Sở Tranh Hùng    -  Mộng Bình Sơn dịch
Xem Hồi 20