Ðạo Trời vô cùng. Lòng người bất trắc. Chỉ có Nhân và Nghĩa là thứ bảo vật bất biến vĩnh hằng.

Nhân Nghĩa là bảo vật vì từ nghìn xưa cho tới nghìn sau, luôn luôn được ưa chuộng. Trái lại hung bạo bị căm thù.

Ðược ưa thì thắng, bị ghét thì thua, cuộc đấu tranh trường diễn của lịch sử, lời tiên nho nói không sai : "Cương cường tất tử nhân nghĩa vương "

Truyện Hán Sở tranh hùng là một minh họa có sức thuyết phục cho chân lý ấy .

Tần Thủy Hoàng dùng sức mạnh tóm thâu lục quốc . Nhưng vì chỉ biết lấy bạo lực , không biết lấy nhân nghĩa thu phục lòng người mà lòng người rời bõ , rốt cuộc bị Hạng Vũ tiêu diệt . Nhưng thắng Tần rồi Hạng Vũ lại lầm đường đi vào vết xe đổ nên đã bị Lưu bang trừ khữ .

Lưu Bang tức Hán Cao Tổ đã thấy sức mạnh và độ bền của Nhân , Nghĩa , biết dùng Nhân Nghĩa làm keo sơn gắn bó lòng người nên đã củng cố Hán tộc được khá lâu dài .

Ðọc Hán Sở Tranh Hùng là để soi tấm gương không mòn còn mãi : Tấm Gương Nhân nghĩa .

Lời Nhà Xuất Bản Ðại Nam

 

Hồi Thứ 1  -  Hán Sở Tranh Hùng  -  Mộng Bình Sơn dịch

Thâu sáu nước , Thủy Hoàng dựng nhà Tần
Oán trăm họ, dân gian hờn bạo chúa.

Từ nhà Châu suy yếu, các chư hầu nổi dậy thôn tính lẫn nhau, tạo trong thiên hạ một thời hỗn loạn.

Thời ấy gọi là thời Chiến Quốc kéo dài  873 năm.

Bấy giờ thiên hạ gồm vào bảy nước : Tần, Sở, Triệu, Tề, Hàn, Ngụy, Yên.

Trong bảy nước ấy, nước Tần mạnh nhất. Trong có Thừa tướng Lã Bất Vi chuyên quyền ,  ngoài có tướng giỏi  như Vương Tiễn chinh phạt diệt nhà Châu, kiêm tính sáu nước, đem thiên hạ về một mối.

Tần Thủy Hoàng Vua Tần là Thủy Hoàng con Dị Nhân (Chiêu Tương Dương ) và Dương Hoa Chánh Hậu vốn là kẻ bạo ngược.

Sau khi thống nhất được sơn hà, cho mình là đấng anh hùng cái thế, cổ kim không ai sánh kịp, tự suy tôn hiệu Thủy Hoàng đế, đời thứ hai gọi là nhị thế, đời thứ ba gọi là tam thế, cho đến vạn thế, v.v.. .

Rồi chia thiên hạ ra làm 36 quận, vẽ một bức địa đồ thống nhất, bắt tất cả những mưu sĩ đem về an trí nơi Hàm Dương (Kinh đô nước Tần) đúc mười hai pho tượng để khoa trương nước nhà giàu mạnh, lập cung A Phòng ở vườn Thượng Lâm, tập họp tất cả những gái đẹp bốn phương về đó ước hơn nghìn người, ngày đêm tửu sắc vô độ .

Lã Bất Vi vì tư thông với Dương Hoa Thái Hậu, nên bị Tần Thủy Hoàng trừ đi lập Lý Tư lên thay thế.

Năm thứ 27, Thủy Hoàng hội quan thần, phán :

- Các vua thời xưa thường tuần du đây đó để quan sát dân tình. Nay trẫm muốn làm cái việc đó, các quan nghĩ sao ?

----------Chú thích------------------

Sử chép rằng : Tần Thủy Hoàng tên Chính , là con riêng của Dương Hoa Chánh Hậu chứ không phải con của Dị Nhân.

Nguyên lúc Dị Nhân, hoàng tôn nước Tần, sang Triệu làm con tin , gặp Lã Bất Vi là một con buôn vàng ngọc, Lã Bất Vi

thấy tướng mạo Dị Nhân đoán biết về ,sau ắt nối nghiệp nước Tần, liền đem người tiểu thiếp mình là Dương Hoa, đã có mang với mình hai tháng gả cho Dị Nhân . Dương Hoa sau này sinh ra Tần Thủy Hoàng. Vì vậy Tần Thủy Hoàng là con Lã Bất Vi chứ không phải con của Dị Nhân dòng dõi nước Tần.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Quần thần đều tâu :

- Nơi cửu trùng thăm thẳm, nếu không ngự giá tuần du làm sao rõ đặng lòng dân. Xưa nay những bậc anh quân đều lấy dân làm gốc, bệ hạ muốn như vậy thực hợp với cổ ý. .

Thủy Hoàng hớn hở, truyền lệnh sửa sang xa giá, bắt đầu du hành từ phía Bắc đất Lũng Tây. .

Trời không nắng lắm, xa xa cây cỏ một màu xanh, nhấp nhô bên các sườn núi miệt Kê Ðầu, trông khá đẹp mắt. Long xa sau trước, các quan cận thần và quân lính hầu hạ chật ních.

Bỗng trên đỉnh núi Kê Ðầu có một đám mây mờ, hiện ra năm vầng hào quang sáng chói.

Thủy Hoàng lấy làm lạ, đòi cận thần Tống Vô Kỵ đến hỏi.

Vô Kỵ tâu : 

- Tâu Bệ hạ, hạ thần đã trông nhiều thứ mây như : tường vân, phù vân, thụy vân, tể vân, khánh vân, nhưng không có thứ mây nào giống thứ ám khí này. Ðây là một điềm ứng phi thường thật khó biết đặng.

Thủy Hoàng ngơ ngác hỏi :

- Thế thì phải làm sao để trừ được điềm lạ ấy ?

Vô Kỵ tâu :

- Xin Bệ hạ quay thánh giá sang phía Ðông Nam, lấy bảo vật mà yếm thì mới có thế trừ đặng hung khí.

Thủy Hoàng theo lời, thuyền xa giá đi về hướng Châu Dịch, bày lễ tế phong ở núi Ðông Nhạc và Thái Sơn, rồi lấy thanh bảo kiếm của mình thường đeo, yếm dưới chân núi .

Ðoạn qua sông Giang , sông Hoài, đến Nam quận, hồi giá về Hàm Dương. Quần thần ra khỏi Kinh đô ba mươi dặm đón rước.

Từ đấy lúc nào Thủy Hoàng cũng nghĩ đến vừng vận khí ở phương Ðông Nam lòng không vui .

Một hôm có viên cận thần đến tâu :

- Mấy hôm nay khí trời mát mẻ, nơi Ngự lâm viên trăm hoa đua nở , xin Bệ hạ mệnh giá qua chơi để giải trí .

Ðang lúc lòng buồn bực , Thủy Hoàng nhận lời, dẫn một bọn cung phi và mấy viên cận thần đến vườn Ngự lâm ngoạn cảnh.

 Tiếng gió rì rào thổi phất phơ những cành hoa vừa hé nhụy, trong quang cảnh tưng bừng của bình minh .

Thủy Hoàng dạo gót khắp nơi . Mãi cho tới lúc ánh nắng bắt đầu gay gắt , Thủy Hoàng thấy mình rồng mõi mệt , liền lên Hiễn Thánh điện để nghĩ . 

Giấc điệp mơ màng , Thủy Hoàng chợt nghe bên tai một tiếng nỗ long trời lở đất . 

Rồi một vầng thái dương đỏ ửng từ trên trời rơi xuống .

Bỗng thấy một đứa bé áo xanh , mặt đen chạy đến ôm vầng thái dương toan chạy . Liền lúc đó , lại có một đứa bé khác, mặc áo đỏ , đôi mắt sáng quắc từ phương Nam chạy đến hét lớn :

- Tên áo xanh kia ! Hãy để vầng thái dương đấy . Ta vâng lệnh Ngọc hoàng đến lấy vàng thái dương đây .

Ðứa bé áo xanh không chịu , cả hai ôm nhau vật lộn . Ðứa bé áo xanh vật ngã đứa bé áo đỏ bảy mươi hai lần . Nhưng bất thình lình đứa bé áo đỏ đá một đá thật mạnh , đứa bé áo xanh ngã lăn xuống đất chết tươi .

Thủy Hoàng thấy vậy kêu lên :

- Hỡi hài đồng kia ! Ðừng vội đoạt vầng thái dương , hãy bảo cho ta biết chúng bay là ai ?

Ðứa bé đáp :

- Ta là dòng dõi Thuấn Nghiêu , quê ở Phong Bài vì dân dấy nghĩa . Thượng đế đã cho ta hưỡng lịch bốn trăm năm .

Nói xong , đứa bé áo đỏ ôm vầng thái dương chạy biến về phương Nam . Thủy Hoàng đưa mắt nhìn theo bóng đứa bé mờ dần rồi khuất sau vầng hào quang giống như vầng vân khí nơi núi Kê Ðầu .

Thủy Hoàng bừng mắt tĩnh dậy , mới biết đó là chiêm bao , lòng bâng khuâng tự nghĩ :

- Giấc mộng này lành ít dữ nhiều . Nhà Tần ta có lẽ vận mạng đã hết , thiên hạ ắt về tay kẽ khác ....

Liền truyền xa giá trở về cung . Từ đó lòng buồn bã lo âu , không lúc nào vui .

Một hôm Thủy Hoàng cùng quần thần bàn tính , muốn tìm thuốc trường sanh bất tử để sống làm vua mãi , hưỡng cảnh lạc thú hồng trần .

Cận thần Tống Vô Kỵ tâu :

- Ở miền Ðông Hải có ba đỉnh núi thần , phong cảnh tốt tươi , cỏ hoa muôn vẽ , khí hậu ấm áp , hạ thần chắc đó là nơi bồng lai , có thể tìm thuốc trường sinh được .

Thủy Hoàng mừng rỡ , phán :

- Khanh đã bao giờ đến đó chưa ?

Vô Kỵ tâu :

- Hạ thần chưa đến , nhưng có một người bạn tên Từ Phúc, lúc trước từng qua chơi nơi Ðông Hải, gặp các tiên cỡi loan hạc, phong độ thoát phàm. Từ Phúc hiện nay còn ghé chơi nơi nhà hạ thần, nếu Bệ hạ tin dùng , hạ thần sẽ đưa vào yết kiến.

Thủy Hoàng liền sai Vô Kỵ cấp tốc đi triệu Từ Phúc.

Từ Phúc theo Vô Ky vào bệ kiến. 

Thủy Hoàng phán hỏi cách tìm thuốc trường sinh, Từ Phúc tâu :

- Thuốc trường sinh là một món thuốc quý, từ xưa nay khó có ai tìm được. Nay Bệ hạ muốn có thuốc ấy tất phải chịu tổn phí, đóng thuyền và cấp hành trang cho hạ thần vượt bể thì mới tìm được.

Thủy Hoàng hỏi :

- Nhà ngươi cứ hết lòng giúp trẫm, nếu được, hai ta cùng uống và cùng sống mãi hưởng cảnh vàng son ; Còn gì hạnh phúc bằng . Chẳng hay nhà ngươi muốn đóng bao nhiêu thuyền, và hành trang như thế nào ? 

Từ Phúc tâu :

- Vượt bể Ðông chẳng phải chuyện dễ. Cần có mười chiếc thuyền lớn, trong thuyền phải đủ hạng thợ, và phải kén lấy năm trăm đồng nam, năm trăm đồng nữ, phòng khi dùng đến.

Thủy Hoàng liền hạ lệnh sắm đủ mọi thứ cho Từ Phúc ra đi.

Tháng ngày trôi qua như ngựa qua cửa sổ, chẳng mấy chốc đã hơn năm tháng trời, Thủy Hoàng ôm lòng chờ đợi mãi mà chẳng thấy Từ Phúc trở về.

Quá nóng lòng, Thủy Hoàng liền sai một người nho sĩ là Lư Sinh đi tìm Từ Phúc.

Ôi ! Bốn phưong mù mịt, Từ Phúc ra đi như bóng nhạn lưng trời, biết đâu mà tìm. Tuy nhiên, lệnh vua đã phán, ai dám trái lời, Lư Sinh đành vâng chỉ, một mình cất bước ra đi.

Ði mãi, đến bờ bể, vời trông chỉ thấy sóng gào gió thét trong khoảng nước xanh trời thẳm, bát ngát muôn trùng, chẳng biết đâu là bồng lai, đâu là tiên giới.

Lư Sinh ngước mặt lên trời thờ dài, nghĩ thầm :

- Thủy Hoàng là một bạo chúa, tham sống mà coi rẻ mạng người. Nếu ta không tìm được Từ Phúc trở về, tánh mạng ắt chẳng còn. Thôi thì cứ nhắm mắt đưa chân, rủi có chết thì cũng như Từ Phúc, một đi không về thế là xong. 

Lư Sinh lần theo hướng Nam, đi vào miền núi Thái Nhạc, rồi đến núi Thái Hoa.

Suốt mấy tháng trường trong gian khổ, bỗng một hôm Lư Sinh gặp một người hình dung cổ quái, đầu bù tóc rối, mắt tròn như lục lạc, đang ngồi tựa một phiến đá, nhìn về hướng trời xa.

Lư Sinh nghĩ thầm : 

- Nơi đây sơn lâm cùng cốc, người thường đâu dễ mấy ai mò đến, chắc là một dị nhân .

Liền bước đến vái chào. Dị nhân quay lại thấy Lư Sinh, liền hỏi :

- Người là ai . Có việc gì lại đến đây ?

Lư Sinh đáp :

- Thưa tiên sinh, tôi vâng ìệnh Thủy Hoàng đi tìm thuốc trường sinh bất tử.

Dị nhân cười lớn nói :

- Con người sống chết đã do mệnh trời định sẳn, sao lại có ý ngông cuồng như vậy . Làm gì có thuốc trường sinh bất tử .

Lư Sinh nhìn tướng mạo dị nhân một lúc , biết không phải người phàm nên cố năn nỉ :

-Tôi là người phàm mắt thịt , trí não u ám , xinn tiên sinh thương tình cứu tôi thoát nạn .

Dị nhân thấy Lư Sinh khẩn khoản ngồi im ra vẽ suy nghĩ. Một lúc dị nhân đứng dậy đưa tay đẩy  tấm vách đá , bên trong lộ ra một cửa hang rất lớn .

Lư Sinh thất kinh lòng chưa hết ngạc nhiên thì dị nhân đã bước vào trong , cầm một quyển sách đem ra đưa cho Lư Sinh, và nói :

- Hãy đem sách này về cho vua Tần xem , trong đó có nói rõ về " sinh tử tồn vong ".

Lư Sinh tiếp lấy thấy trên bìa sách có đề bốn chữ "Thiên Lục Bí Quyết "  toan hỏi lại nhưng Dị nhân đã bước lên ngồi bên phiến đá mắt nhắm nghiền như ngũ say.

Lư Sinh không dám hỏi nữa , cầm sách trở về dâng cho Thủy Hoàng thuật lại mọi việc.

Thủy Hoàng mở sách ra xem , bên trong chép theo lối cổ tự , chữ ngoằn ngoèo rất khó đọc ,liền sai Lý Tư dịch ra .

Lý Tư đọc cho Thủy Hoàng nghe . Ðó là sách nói về việc thuyên chuyển của lịch đại . Lại có câu rằng "Vong Tần giả Hồ "

Thủy Hoàng thất kinh nói :

- Cứ như trong sách thì rợ Hồ sẽ làm mất nhà Tần .

Liền sai Mông Ðiềm đem tám mươi vạn dân phu ra ngoài biên ải đắp trường thành để phòng rợ Hồ .

Ngoài ra con bắt thêm dân chúng khắp nơi, bất luận già trẻ đều phục dịch cho công tác ấy .

Dân chúng khổ cực trăm bề , quanh năm suốt tháng , áo chỉ còn bâu , người chỉ còn bộ xương , đói khát, con xa mẹ , vợ xa chồng, mồ hôi lộn nước mắt, thây vùi khắp chân trường thành , oán hận ngút trời .

Thủy Hoàng lại sợ đời sau chê cười, và có kẽ rõ được hành động mình nên truyền đốt sách chôn sống học trò ước hơn 460 người .

Lại ra nghiêm lệnh hễ ba người tụ họp nói chuyện xầm xì thì phạm vào tội chết chém .

Một lời phán gớm ghê của bạo chúa làm chấn động cả nhân gian .

Người con trưởng Thủy Hoàng là Phù Tô thấy cha tàn ác quá. vội can :

- Sách vở là văn học của một nước, học trò là tiêu biểu cho thế hệ đời sau . Phụ vương hủy hoại đi e thiên hạ oán vọng , ngôi nhà Tần khó giử được .

Thủy Hoàng nổi giận, hét :

- Nghịch tử dám dùng lời vô lễ với trẫm sao ?

Tức thì ra lệnh đày Phù Tô ra Bắc biên làm chức Giám Quân cùng với Mông Ðiềm coi việc đắp trường thành . Cấm không được về Kinh đô nữa .

Tuy nhiên Thủy Hoàng vẫn còn lo sợ vần vân khí ở miền Ðông Nam , e có kẽ ngầm mưu loạn , nên truyền xa giá tuần du về miền ấy để trấn áp sanh linh .

Thuở đó, nơi phía Nam, cách nước Hàn lối ba mươi dặm , có một quán rượu, thường ngày các bô lão trong vùng đến đó bắt chén giải buồn.

Một hôm có bốn cụ già ngồi khề khà nhìn mây, nhìn nước trao đổi tâm tình.

Trong số bốn cụ già ấy có một người tên Triệu Tam Công, nhân lúc cao hứng, nói :

- Các ngài ơi !  Trăm năm về trước, thiên hạ thái bình, con người sống trong cảnh đáng sống, không một chút gì bận tâm nhọc trí cả. Ðời sống như thể chẳng khác gì chốn tiên bồng.

Một cụ già đặt chén xuống bàn, vuốt râu nhìn Triệu Tam Công hỏi :

- Thế thì ngài cho cõi đời này là trần tục sao ?

Triệu Tam Công lắc đầu đáp :

- Không phải là trần tục mà chính là địa ngục trần gian.

Ba cụ già già đồng vỗ tay cười lớn. Một cụ hỏi : 

- Theo ngài thì những cực hình ghê gớm nhứt của chốn địa ngục dương trần này là gì ?

Triệu Tam Công lè lưỡi, đáp :

- Chịu thôi . Bây giờ phép nước nghiêm lắm, tôi không dám bàn đến chuyện đó. 

Một cụ đưa mắt nhìn xung quanh, rồi nói :

- Nơi đây hẻo lánh, chỉ có ta với ta, hà tất phải ngại !

Bỗng từ bên trong hàng rượu có một thiếu niên bước ra, vừa cười vừa nói :

- Thưa các cụ, nếu có kẻ nào sợ pháp luật không dám nói, tôi xin thay kẻ ấy nói giúp vậy.

Mọi người quay nhìn thiếu niên. Người ấy mặt tròn, mắt sáng, áo vải, giày vai, trông ra vẻ một thiếu niên anh tuấn .

Triệu Tam Công nói :

- Nếu tiểu tử đủ can đảm, xin thay ta, nói cho các vị bô lão này nghe thử.

Thiếu niên ung dung nói :

- Thưa các cụ, các cụ còn lạ gì chánh sách của bạo chúa Tần Thủy Hoàng ! Con trai không được yên phận cày cấy, con gái không được yên phận canh cửi, cha xa con, vợ lìa chồng, gia đình tan tác. Nào đắp trường thành, nào dựng A Phòng, đốt sách vở, chôn sống học trò, nghe lời đứa dua nịnh lập ra phép dữ, oán khí ngất trời. Nghĩ làm thân trong chế độ này chẳng khác nào một tội nhân sống trong hỏa ngục ! Nhục nhã thay !

Người thiếu niên còn muốn nói nữa, nhưng Triệu Tam Công đã bỏ đứng dậy toan chạy.

Ba vị bô ìão nói :

- Nơi đây xa cách kinh kỳ, việc gì ngài lại sợ hãi đến thế ?

Triệu Tam Công thở dài, nói : 

- Dầu trong hang cùng ngõ hẻm cũng có mặt kẻ do thám của triều đình. Tai vách mạch rừng, các ngài chớ khinh khi mà rơi đầu vô ích.

Người thiếu niên thấy vậy, than thầm :

- Ôi ! Nhân tâm như thế thì nỗi niềm riêng cũa ta biết tõ cùng ai !

Hết Hồi 1  -  Hán Sở Tranh Hùng    -  Mộng Bình Sơn dịch
Xem Hồi 2